Cùng với các loại gia vị thì ẩm thực Việt Nam cũng có vô vàn các loại rau thơm - các loại thảo mộc có đặc tính thơm, mang nhiều chất dinh dưỡng. Rau thơm có thể được sử dụng để ăn sống, thêm vào các món ăn, chế biến thành món gỏi, nộm,… gia tăng hương vị. Ở Hẻm Quán các loại rau thơm cũng đa dạng theo mùa, cùng xem những loại rau tiêu biểu của Hẻm nhé ạ.
Rau ngò gai (mùi tàu)
Ngò gai hay mùi tàu là loại rau thơm với lá hình mác thuôn dài, bìa lá có răng cưa nhỏ. Rau ngò gai có nguồn gốc từ Nam Mỹ, Trung Mỹ và Mexico, tuy nhiên do hương vị đặc biệt, đặc tính dễ trồng mà ngò gai có mặt ở nhiều quốc gia và đây cũng là một loại rau quen thuộc trên mâm cơm người Việt.
Theo y học cổ truyền, ngò gai có vị cay hơi đắng, mùi thơm, tính ấm, được dùng để khai vị, giúp ăn ngon, dễ tiêu, trị rối loạn tiêu hóa.
Trong ẩm thực, lá ngò gai được biết đến là một rau gia vị quen thuộc có mùi thơm dễ chịu. Rau ngò gai thường được dùng để ăn sống, làm rau kèm trong gỏi cuốn, dùng trong món canh cá để tạo độ ngon, khử mùi tanh cho món ăn.
Rau húng quế
Nếu ăn một cái gỏi cuốn mà thấy hương vị chưa đủ trọn vẹn thì có thể bạn đã quên bỏ vào một nhành húng quế đó. Húng quế hay húng chó là loại rau có nguồn gốc từ các khu nhiệt đới là Đông Nam Á và Trung Phi, quá quen thuộc trong rổ rau sống của mỗi gia đình.
Húng quế có vị như cây hồi, và hương thơm giống đinh hương, hương vị cay cay, thơm nồng, do đó rất thích hợp để thêm vào các món súp, salad, nước sốt và làm tăng hương vị cho các món thịt. Bên cạnh đó, húng quế rất thơm nên được sử dụng để trang trí trên món ăn, tăng cường mùi và hương thơm.
Dấp cá
Rau dấp cá là một loại cỏ nhỏ, mọc quanh năm tại những khu vực có khí hậu nhiệt đới. Trong dân gian diếp cá còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như dấp cá, lá giấp, rau giấp,...
Ở Việt Nam, trước đây rau dấp cá mọc hoang dại nhiều ở các tỉnh miền núi, trung du và đồng bằng. Sau này, rau dấp cá được đưa về trồng ở vườn để làm thực phẩm cũng như làm thuốc giúp cải thiện các tình trạng sức khỏe. Đối với nhiều người, rau dấp cá không dễ dàng khi ăn mà thậm chí còn gây cho người ăn cảm giác khó chịu vì mùi tanh của nó. Nhưng nếu mà kết hợp cùng gỏi, cuốn thì sẽ có một hương vị đặc biệt, hấp dẫn.
Sao nhái
Sao nhái là cách gọi của người miền Bắc và miền Trung, còn người miền Nam thường gọi tắt là rau nhái. Loại rau được tìm thấy ở các bờ ruộng , bờ sông, … hoặc trong vườn đất ẩm. Hương vị của rau có mùi thơm nhẹ giống xoài nên rất dễ ăn, rau lá dù non hay già đều mềm và ăn sống được.
Người dân miệt vườn vùng Đồng bằng sông Cửu Long dùng làm rau sống ăn riêng hoặc ăn chung với nhiều loại rau tập tàng khác. Rau nhái thường được ăn với cá linh, cá đồng kho, thịt kho, mắm kho,... trong những bữa cơm dân dã, đạm bạc ở miền quê. Lá rau nhái còn được chuộng để ăn với bánh xèo, làm gỏi, làm nộm, xào, nấu canh hoặc nhúng lẩu.