Có bao giờ bà con thắc mắc nồi lẩu mắm, lẩu cá ở Hẻm có gì đặc biệt mà mỗi lần thưởng thức, cái mênh mang của vùng sông nước miệt vườn lại cứ thoang thoảng quanh mình. Bởi tất cả nguyên liệu đều là “món ruột” vô cùng thân quen với người miền Tây.
Chẳng những trời ban cho vùng đồng bằng sông Cửu Long lắm cá nhiều tôm, mà rau-hoa-cây-trái nơi đây cũng đa dạng, phong phú không kể xiết. Bởi thiên nhiên quá ư trù phú nên người dân nơi đây thường tận dụng các loại rau xung quanh mình để chế biến lên những món ăn dân dã mà thơm ngon cho bữa cơm gia đình. Có những loài rau hoa vốn bình dị, dân dã và thân quen mà trở thành đặc sản, phải kể đến như bông điên điển, bông so đũa, bông súng, bông bí rợ, rau đắng,....Cùng khám phá hương vị tươi mát từ mẹt rau hoa đồng nội với quá trời các loại khác nhau nghen.
Bông điên điển
Ở miền Bắc bông điên điển còn được gọi là hoa điền thanh, nổi tiếng với biệt danh "hoa mùa lũ", cứ mỗi khi con nước về, bông điên điển nở vàng rực khắp vùng, người dân thường hái khi chiều xuống, là lúc bông mới hé nở, sẽ tươi, ngon hơn. Bông điên điển có thể làm nhiều món ăn ngon với hương vị đặc trưng riêng, phải kể đến như: canh chua bông điên điển, gỏi bông điên điển, bông điên điển xào tỏi, hay lẩu mắm nhúng bông điên điển.
Bông so đũa
Bông so đũa trông mỏng manh, thường mọc ven bờ sông, đầm, ruộng. Bông so đũa thường được hái buổi sớm mai, tươi, giòn, ăn vào hơi đắng nhưng ngọt về sau. Vào những ngày hè nóng nực, khí trời oi bức thì thưởng thức các món ăn từ bông so đũa là lựa chọn vô cùng tuyệt vời bởi nó có tính mát, kích thích ăn ngon miệng và tiêu hóa tốt hơn. Các món ngon được yêu thích như canh chua bông so đũa nấu với tôm, cá lóc, khế, cá rô… hay lẩu chua có thêm hoa chuối.
Bông súng
Bông súng có mặt khắp nơi, trước đây là loài cây dại nơi ao hồ hay những vùng ruộng thấp. Nhiều người gọi bông súng là “thủy mộc”, không ai gieo trồng, chăm sóc nhưng vẫn xanh tốt. Nơi nào có nước, nơi đó có bông súng. Ngày xưa, vào mùa nước nổi, nguồn thực phẩm ít nên người miền Tây nghĩ cách lấy thân bông súng làm rau. Người ta cắt lấy phần thân, tước bỏ vỏ, có thể làm nhiều món như bóp dấm, chấm mắm kho, ăn cùng lẩu mắm cá linh, cá sặc.
Rau đắng
Là một loại rau đặc trưng không thể thiếu trong ẩm thực miền Tây. Rau đắng có thân nhỏ, tròn, sống ở các vùng đầm lầy, ruộng ngập nước. Rau đắng rất giàu chất xơ tốt cho cơ thể. Vị của loại rau này đúng như tên gọi của nó, Khi ăn lúc đầu có vị đắng, càng đi vào trong miệng, rau sẽ càng có vị ngọt nhẹ, tạo cảm giác ngon miệng hơn khi ăn. Món ăn được người Nam Bộ mê mẩn nhất là cháo cá lóc với rau đắng, hay ăn cùng lẩu cá kèo chua thanh, cực kì thơm ngon, càng ăn lại càng ghiền.
Ngày mưa dầm dề, gọi nồi lẩu mắm, lẩu cá nóng hổi, ấm cúng, ăn cùng mẹt rau đầy ú ụ các loại bông miệt vườn... thả nhẹ lòng mình, nghe mênh mang hơi thở của hương đồng nội, ta mới thấy hết vị ngon trong thú ăn dân dã của người miền Tây nước nổi
Ảnh sưu tầm