Kho quẹt đậm đà - món ngon cho mọi nhà

Kho quẹt từ lâu đã là món ăn dân dã và quen thuộc với bất cứ người miền Nam nào. Tuy không được chế biến từ những nguyên liệu cầu kì, quý hiếm gì, và cách chế biến cũng khá đơn giản nhưng hễ ai đã ăn một lần thì ắt sẽ nhớ mãi, thậm chí là ghiền luôn ấy chớ.

Hổng ai biết chính xác cái tên kho quẹt có từ đâu và do ai đặt, nhưng ngẫm ra cũng hợp tình hợp lí khi nói kho quẹt có tên đơn giản từ cách ta tạo ra nó bằng phương pháp kho trên lửa liu riu, và khi ăn người ta thường dùng đũa hay miếng cơm cháy quẹt một cái, có khi là bằng rau củ luộc nữa.

Không đơn giản chỉ là món ăn quen thuộc, mà với nhiều người kho quẹt còn là cả bầu trời tuổi thơ. Khi xưa,gia đình còn nhiều túng thiếu thì kho quẹt gần như là món ăn chính yếu trong mỗi bữa cơm. Sau buổi tan học dzề nhà, mấy anh chị em đứa nào bụng cũng đói cồn cào, quây quần, xúng xính chia nhau miếng cơm cháy, chấm vào bát kho quẹt mặn mặn,  ngọt ngọt, thêm chút béo béo của tóp mỡ và vài miếng tôm khô ngọt bùi là quên ngay cái tiếng ồn ào của bụng dạ. Cái vị đậm đà ấy thực hông thể nào quên được, mỗi lần nghĩ đến, vị mặn mặn lại như vương rõ trên môi cùng những nụ cười giòn tan, hơi ấm, niềm vui gia đình lại bỗng chốc ào dzề xao xuyến trong tim.

Hồi xưa thì kho quẹt làm nước chấm bình dân trong bữa cơm hàng ngày, nhưng giờ thì nó đã thành đặc sản rồi, tiệc tùng liên hoan cũng có mặt.

Để có một bát kho quẹt thơm ngon hấp dẫn nhứt, khẽ chạm đến mọi chân tơ kẽ tóc từng giác quan của quý dzị, mỗi mẻ kho quẹt đều được Hẻm cẩn thận chọn lọc những nguyên liệu chất lượng nhứt từ những hạt tiêu thơm lừng xay nhuyễn, những miếng tóp mỡ tươi rói béo ngậy, mấy con tôm khô phơi mình qua ba lần nắng gắt bằm nhỏ, từng giọt mắm hảo hạng. Tất cả được chưng trên lửa liu riu hòa quyện với nhau để cho ra chén kho quẹt thiệt đậm đà óng ánh, đôi khi có một chút cháy cháy đáy nồi, tỏa ra thứ hương thơm ngây ngất đúng chuẩn vị Nam Bộ.

Kho quẹt sẽ hơi mặn khi ăn riêng nên hợp nhứt khi chấm với chút cơm cháy ,  hoặc  các loại rau củ xanh tươi luộc giòn giòn thì phải gọi là dzách lầu.