TRỨNG BẮC THẢO - VIÊN NGỌC ĐEN CỦA NỀN ẨM THỰC

Trứng bắc thảo là một món ăn có ngoại hình tựa như một viên ngọc đen cuốn hút. Không những thế, hương vị món trứng cũng độc lạ và ấn tượng chẳng kém. Loại trứng này được tạo ra nhờ ủ trong một hỗn hợp “bí truyền màu đen”, nguyên liệu trộn hỗn hợp phụ thuộc mỗi vùng miền. Thời gian ủ có thể kéo dài trong vòng nhiều tuần, thậm chí là nhiều tháng…

Tên gọi trứng bắc thảo

Người Việt Nam thường quen gọi món trứng này là trứng bắc thảo. Tuy nhiên, thực tế ở nhiều nơi trên thế giới, trứng bắc thảo lại được gọi bằng nhiều cái tên độc đáo khác: trứng trăm năm, trứng bách thảo, trứng bắc thảo… hay trứng nghìn năm, trứng thế kỷ, trứng thiên niên kỷ…

Nguồn gốc trứng bắc thảo

Món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy không có tài liệu lịch sử ghi chép chính xác về sự ra đời của trứng bắc thảo, nhưng giới khoa học đã ước tính được món trứng đã tồn tại khoảng hơn 500 năm. Người đời truyền tai nhau câu chuyện về người phát hiện ra trứng bắc thảo. Tương truyền từ thời nhà Minh, một hôm đang đi đường và đói đến hoa mắt, người đàn ông vô tình nhìn thấy một quả trứng bị vùi dưới bùn, vỏ đã nhuốm màu đen của đất bùn. Khi bóc ra ăn thử thì ông vô cùng ngạc nhiên vì trứng có hương vị thơm ngon lạ thường, khác hẳn vẻ ngoài nhem nhuốc của nó. Sau này khi về nhà ông ta đã thử vùi trứng với nhiều nguyên vật liệu tương tự, cho bà con trong làng ăn thử rồi dần dần món trứng được lan truyền tới hoàng cung. Thậm chí đây còn trở thành món ăn ưa thích của tầng lớp quý tộc. Trước đây trứng thường được chế biến trong các dịp quan trọng như lễ tết, cúng bái, yến tiệc… nhưng hiện tại được ứng dụng phổ biến hơn.

Cách làm trứng bắc thảo

Trứng vịt thường được dùng để làm trứng bắc thảo, giúp cho lớp lòng trắng giòn dai hơn; tuy nhiên, trứng gà hay trứng cút đều có thể dùng thay thế. Kể từ khi được phát hiện cho đến nay công thức tạo ra trứng bắc thảo không thay đổi quá nhiều. “Hỗn hợp bí truyền” được nhắc đến thường bao gồm các nguyên liệu chính tro than đốt cháy, muối, vôi tôi, trấu một số nơi còn trộn cả trà đen hoặc bùn nhão… Dù có cái tên hoa mỹ “trứng trăm năm”, “trứng nghìn năm” nhưng trên thực tế chúng ta không cần phải đợi ngần ấy năm để được thưởng thức chúng. Thực tế chỉ cần từ 7-20 tuần, hoặc cùng lắm là đến vài năm để ủ trứng. Để càng lâu, một số quả còn xuất hiện các vân trắng như bông tuyết rất đẹp mắt.



“Viên ngọc đen” của nền ẩm thực

Trứng bắc thảo sau khi ủ đủ thời gian, bóc ra sẽ có phần lòng trắng có màu đen đẹp mắt, trong suốt và núng nính như thạch, lòng đỏ sẽ chuyển màu xanh xám và hơi dẻo dẻo, trông không khác gì một viên ngọc đen. Giá trị của “viên ngọc đen” này không chỉ nằm ở vẻ đẹp mà còn là hương vị ẩm thực của nó.

Thoạt đầu một số người sẽ thấy trứng có mùi hơi hăng nhẹ. Nhưng chỉ cần thử qua thì sẽ dễ bị hấp dẫn kỳ lạ của trứng bắc thảo - bên ngoài mềm mịn, một chút dai giòn như khi ăn thạch, bên trong bùi bùi, beo béo, xen lẫn một chút the mặn lạ miệng. 

Trứng bắc thảo có thể ăn ngay sau khi bóc vỏ hoặc được chế biến đa dạng để tăng thêm trải nghiệm khi ăn. 

Ở Quảng Đông, những lát gừng thái mỏng được bọc quanh trứng bắc thảo.

Ở Thượng Hải thì trứng bắc thảo được trộn với đậu hũ rồi băm nhỏ ra.

Người Đài Loan lại thái trứng bắc thảo thành từng lát rồi phủ lên trên là đậu phụ lạnh với nước xốt, dầu mè.

Về lại Việt Nam, trứng bắc thảo được ăn kèm cùng súp, cháo hoặc làm một số món lai rai trong các bữa nhậu. Ghé Hẻm Quán, quí-dzị muốn trải nghiệm trứng bắc thảo, nhớ thưởng thức:

Tôm khô củ kiệu trứng bắc thảo

Đậu hũ chà bông trứng bắc thảo